Thú và nguyên tắc thưởng thức COGNAC

Riêng trong mục trà rượu, mặc dù nguyên tắc chẳng qua chỉ là kinh nghiệm hoặc kết quả tìm hiểu của kẻ đi trước, của người sành điệu, nếu ta nắm vững và tuân theo, chắc chắn khi uống rượu, uống trà sẽ cảm thấy thú vị hơn là uống vô nguyên tắc. Nhất là đối với rượu cognac – loại rượu hiếm quý nhất trên trần đời – thì càng cần nên biết nguyên tắc.
Uống cognac kiểu tây:
Trong lãnh vực ẩm thực, uống đối với người tây phương quan trọng ngang hàng với ăn cho nên họ đã đưa ra nguyên tắc sử dụng các loại rượu như sau:
– Trước bữa ăn: uống rượu khai vị (aperitif), thường là sâm-banh (champagne) hay các loại vermouth (liqueur làm bằng vang trắng và thảo mộc) như Dubonnet, Martini, Campari…, hoặc bất cứ loại rượu mạnh nào dưới hình thức pha chế (cocktail). Ngày nay, một hai ly bia cũng được xem là một cách khai vị.
– Trong bữa ăn: đương nhiên phải là vang đỏ hoặc vang trắng.
– Tráng miệng: các loại rượu nho ngọt (fortified wine, nồng độ từ 17 tới 20%), phổ biến nhất là các loại sherry, port và madeira (một loại rượu ngọt của Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha).
– Sau bữa ăn (after-dinner): được gọi là “digestif” để đối lại với “aperitif”, nghĩa là các thức uống sau cùng với mục đích giúp việc tiêu hóa thêm dễ dàng. Trong khi aperitif được uống khi CHƯA NGỒI VÀO BÀN ĂN, thì digestif cũng thường được uống SAU KHI ĐÃ RỜI BÀN ĂN.
Thông thường, sau khi bữa ăn chấm dứt, trong lúc các bà lo dọn dẹp, rửa ly chén thì các ông kéo nhau ra phòng khách (giới quý tộc, thượng lưu thường vào phòng đọc sách – library) để uống digestif và nói chuyện “trà dư tửu hậu”. Đây là lúc bà chủ nhà trổ tài pha cà-phê còn ông chủ nhà khoe các loại rượu “uống chơi”, gồm cognac và các loại liqueur có nồng độ cao (như Cointrreau, Grand Marnier, Benedictine, Chartreuse…), và dĩ nhiên không thể thiếu những điếu xì-gà gộc!
Theo tác giả Alec Waugh, nếu đó là một bữa ăn tối trịnh trọng ở Pháp, Anh hay Hoa Kỳ, thức uống “trà dư tử hậu” ấy sẽ là cognac. Tại sao lại là cognac?
Bởi vì cognac là loại rượu “cao cấp” nhất, nên phải thưởng thức sau cùng để cho buổi tối được trọn vẹn, và khi ra về, khách vẫn còn thấy… thơm miệng!
Để tận hưởng “sắc, hương, vị” của cognac, cả chủ lẫn khách phải là người sành điệu.
– SẮC: muốn thưởng thức trọn vẹn “sắc” của rượu cognac, bắt buộc phải uống bằng ly pha-lê (crystal). Không thể lập luận “đàng nào cũng uống vào bụng, ly nào mà chẳng giống nhau!”; bởi vì cũng giống như một người đàn bà đẹp và hấp dẫn, khi vào phòng ngủ mặc một cái áo lụa mỏng “lồ lộ một tòa thiên nhiên” để đức lang quân (hay tình nhân) nhìn ngắm thì chắc chắn chàng sẽ thích thú hơn là mặc một bộ pyjama bằng nỉ rộng thùng thình! Cũng thế, ly pha-lê sẽ khiến sắc rượu trở nên óng ánh, hấp dẫn bội phần.
– HƯƠNG: phải uống cognac bằng ly bầu (goblet) chân ngắn, bụng ly phình ra, miệng ly túm lại. Rượu chỉ rót 1/3 ly, sau đó từ từ xoay ly theo một góc nghiêng hoặc lắc nhè nhẹ cho rượu sánh lên thành ly để toàn bộ hương thơm có cơ hội bốc lên. Tuy nhiên, khi đưa ly lên để thưởng thức hương rượu, không được kê sát lỗ mũi và hít mạnh vì như thế mùi nồng sẽ át mùi thơm, mà chỉ nên để ly ở phía dưới mũi khoảng 5 cm và đưa qua đưa lại cho hương thoảng lên.
– VỊ: sau khi đã ngắm sắc, ngửi hương mới tới thưởng vị. Cũng giống như trong nghệ thuật yêu đương, không nên thưởng vị cognac một cách bộp chộp, hấp tấp. Trước hết, phải “thử” để biết “em” ra làm sao cái đã: đưa ly rượu lên nhắp một cái, vừa đủ để thấm môi, ướt lưỡi, nuốt xong khẽ chép miệng một cái như đánh giá, rồi đưa ly lên ngắm rượu một lần nữa, sau đó mới uống một ngụm vừa phải, ngậm trong miệng một chút rồi từ từ dùng lưỡi quay quanh để đưa rượu tới từng kẽ răng, sau cùng ực một cái thật nhanh, thật mạnh: hương rượu sẽ hừng hực bốc lên mũi, vừa nồng vừa thơm, đó chính là lúc “đã” nhất!