Đừng ngủ ở Ý, nơi rượu Grappa đánh gục mọi linh hồn

Theo một câu chuyện kể lại, vào khoảng thế kỷ thứ 2, những người lính La Mã cổ đại đã sử dụng dụng cụ chưng cất của người Ai Cập để tạo nên mẻ Grappa đầu tiên ở một thị trấn thuộc thành phố Bassano del Grappa, phía Bắc nước Ý. Từ đó, loại rượu này có tên “Grappa”. 


Một câu chuyện lùi về sau cả chục thế kỷ lại nói rằng, trong khoảng những năm 1000, bã nho khi đó bị coi là phế phẩm trong quá trình chưng cất rượu, nhưng lại được tầng lớp dân lao động yêu thích và sử dụng, phát sinh một nhánh mới trong nghệ thuật chưng cất: sản xuất rượu Grappa từ bã nho. Đến năm 1600, những thầy tu ở Tây Ban Nha, Ý và Đức học được kỹ thuật sản xuất rượu Grappa, và phương thức ấy được dùng cho đến tận ngày nay.

Hương vị Grappa
Grappa có thể được làm từ nhiều loại bã nho của các giống nho khác nhau trộn lại. Grappa vì thế mà có hương vị đặc biệt tùy thuộc vào giống nho được dùng để chưng cất, và quy trình chưng cất riêng của từng vùng. Công thức chế biến của Grappa thường theo tỉ lệ: 50% vỏ và cùi nho, 25% cuống nho, 25% hạt nho, với độ cồn chiếm khoảng 35%-60% thể tích. 
Hiện nay, đa số Grappa có màu trong suốt, vàng hoặc nâu đỏ vô cùng tinh tế, nổi bật hương vị hoa quả ngọt ngào và say đắm lãng mạn như nước Ý thơ mộng.

Thưởng thức Grappa
Một cách truyền thống nhất, Grappa được làm lạnh và sử dụng sau bữa ăn. Người Ý chỉ nhấp từng ngụm nhỏ, để cảm nhận hương vị ngọt ngào của nho thấm đượm nơi đầu lưỡi, kích thích vị giác tột bậc. Những chiếc ly nhỏ được thiết kế riêng để thưởng thức Grappa, người dân bản địa tin rằng chiếc ly cầu kỳ và tinh tế sẽ làm gia tăng vị thơm ngọt nồng nàn của thứ rượu đặc biệt này.

Grappa thường được làm lạnh ở khoảng 9-17 độ C tùy thuộc vào tuổi rượu. Tuy vậy, trong nhiều gia đình Ý, Grappa được làm lạnh và thưởng thức với một tầng băng mỏng phía trên, cho hương vị thanh khiết tuyệt đối.