ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO LÀ GÌ ?
Đông trùng hạ thảo là một loại đông dược quý có bản chất là dạng ký sinh của loài nấm Ophiocordyceps sinensis thuộc nhóm nấm Ascomycetes trên cơ thể ấu trùng của một vài loài bướm trong chi Thitarodes Viette, 1968 (trước đây phân loại trong chi Hepialus Fabricius, 1775). Phần dược tính của thuốc đã được chứng minh là do các chất chiết xuất từ nấm Ophiocordyceps sinensis. Nó được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền Trung Hoa và y học cổ truyền Tây Tạng.
Tên gọi "đông trùng hạ thảo" (tiếng Tạng: yartsa gunbu hay yatsa gunbu, tiếng Trung: 冬虫夏草, dōng chóng xià cǎo) là xuất phát từ quan sát thực tế khi thấy vào mùa hè nấm Ophiocordyceps sinensis mọc chồi từ đầu con sâu nhô lên khỏi mặt đất. Vào mùa đông thì nhìn cặp cá thể này giống con sâu (côn trùng), còn đến mùa hè thì chúng trông giống một loài thực vật (thảo mộc) hơn.
Hiện nay, do sự săn lùng và hoạt động khai thác quá mức Đông trùng hạ thảo tại Nepal, loại nấm này đang có nguy cơ tuyệt diệt
PHÂN LOẠI VÀ TÊN GỌI:
Loài này được Miles Berkeley miêu tả khoa học lần đầu tiên năm 1843 như là Sphaeria sinensis. Pier Andrea Saccardo chuyển loài này sang chi Cordyceps vào năm 1878. Từ nguyên của tên khoa học xuất phát từ tiếng Latinh cord "dùi cui, gậy tày", ceps "đầu" và sinensis "từ Trung Quốc". Loài này được biết đến như là Cordyceps sinensis cho tới năm 2007, khi phân tích phát sinh chủng loài phân tử được sử dụng để sửa đổi phân loại của 2 họ Cordycipitaceae và Clavicipitaceae, với kết quả là tạo ra tên gọi cho một họ mới là Ophiocordycipitaceae và việc chuyển một số loài Cordyceps sang chi Ophiocordyceps.
Trong tiếng Tạng nó được biết đến như là དབྱར་རྩྭ་དགུན་འབུ་ (ZWPY: yartsa gunbu , Wylie: dbyar rtswa dgun 'bu, "hạ thảo(cỏ), đông trùng (sâu bọ)"), và đây là nguồn gốc của các tên gọi trong tiếng Nepal यार्शागुम्बा, yarshagumba, yarchagumba hay yarsagumba. Chuyển tự sang tiếng Bhutan là Yartsa Guenboob. Nó còn được biết đến như là keera jhar, keeda jadi, keeda ghas hay 'ghaas fafoond trong tiếng Hindi. Tên gọi tiếng Trung Dōng chóng xià cǎo (冬蟲夏草) nghĩa là "đông trùng, hạ thảo" (nghĩa là "sâu mùa đông, [trở thành] cỏ mùa hè"). Tên gọi tiếng Trung là dịch theo nghĩa đen của tên gọi gốc tiếng Tạng, được thầy lang người Tạng là Zurkhar Namnyi Dorje ghi chép lại lần đầu tiên trong thế kỷ 15. Trong ngôn ngữ thông tục tiếng Tạng thì Yartsa gunbu thường được gọi tắt là "bu" hay "yartsa".
Trong y học cổ truyền Trung Hoa, tên gọi của nó thường được viết tắt là chong cao (蟲草 "trùng thảo"), một tên gọi cũng áp dụng cho các loài Cordyceps khác, như C. militaris. Trong tiếng Nhật, nó được gọi là tōchūkasō (冬虫夏草).
Điều ngạc nhiên là đôi khi trong các tài liệu Trung Hoa tiếng Anh thì Cordyceps sinensis được nhắc tới như là aweto [Hill H. Art. XXXVI: The Vegetable Caterpillar (Cordiceps robertsii). Transactions and Proceedings of the Royal Society of New Zealand 1868-1961. Quyển 34, 1901;396-401], và đó là tên gọi trong tiếng Māori để chỉ Cordyceps robertsii, một loài nấm chỉ có ở New Zealand.
NGUỒN GỐC:
Vị thuốc này thực chất là hiện tượng ấu trùng các loài bướm thuộc chi Thitarodes bị nấm thuộc chi Ophiocordyceps và/hoặc Cordyceps ký sinh. Đó là một dạng ký sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis(Berk.) G.H.Sung, J.M.Sung, Hywel-Jones & Spatafora (2007), 1878 với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Thitarodes. Thường gặp nhất là sâu non của loài Thitarodes baimaensis hoặc Thitarodes armoricanus. Ngoài ra còn 46 loài khác thuộc chi Thitarodes cũng có thể bị Ophiocordyceps sinensis ký sinh. Các loài nấm này phân bố rộng ở châu Á và châu Úc với trung tâm đa dạng là vùng Đông Á, đó là các cao nguyên cao hơn mặt biển từ 4.000 đến 5.000 m như: Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam.
Cơ chế xâm nhiễm của loài nấm này vào cơ thể sâu hiện giờ vẫn chưa rõ. Vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Những con sâu này có thể đã ăn phải bào tử nấm hoặc chúng mắc bệnh nấm ký sinh từ các lỗ thở. Đến khi sợi nấm phát triển mạnh, chúng xâm nhiễm vào các mô vật chủ, sử dụng hoàn toàn các chất dinh dưỡng trong cơ thể sâu. Đến một giai đoạn nhất định thường là vào mùa hè ấm áp, nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất phát triển thành dạng cây (hình dạng giống thực vật) và phát tán bào tử.
Đông trùng hạ thảo chủ yếu tìm thấy vào mùa hè vùng núi cao trên 4.000m ở cao nguyên Thanh Tạng (Thanh Hải-Tây Tạng) và Tứ Xuyên (Trung Quốc). Tuy nhiên, hiện nay nhiều loài nấm thuộc chi Ophiocordyceps và Cordyceps được nuôi trồng trên quy mô công nghiệp để tinh chế các cơ chất có dược tính.
MÔ TẢ:
Hai chi nấm Ophiocordyceps và Cordyceps tương ứng có khoảng 170/570 loài khác nhau, và chỉ riêng ở Trung Quốc đã tìm thấy khoảng 60 loài. Tuy nhiên cho đến nay người ta mới chỉ nghiên cứu nhiều nhất được về hai loài Ophiocordyceps sinensis (Berk.) Sacc. và Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link.. Loài thứ hai được gọi là Nhộng trùng thảo.
Đông trùng hạ thảo khi còn sống, người ta có thể trông rõ hình con sâu, với đuôi là một cành nhỏ, mọc lá. Khi sấy khô, nó có mùi tanh như cá, đốt lên có mùi thơm. Phần "lá" hình dạng giống ngón tay, dài khoảng 4 – 11 cm do sợi nấm mọc dính liền vào đầu sâu non mà thành. Đầu sâu non giống như con tằm, dài chừng 3–5 cm, đường kính khoảng 0,3 - 0,8 cm. Bên ngoài có màu vàng sẫm hoặc nâu vàng với khoảng 20-30 vằn khía, vằn khía ở gần đầu nhỏ hơn. Phần đầu có màu nâu đỏ, đuôi giống như đuôi con tằm, có tất cả 8 cặp chân, nhưng 4 đôi ở giữa là rõ nhất. Chất đệm nấm hình que cong mọc ra từ mình sâu non, dài hơn sâu non một chút. Sâu non dễ bẻ gãy, ruột bên trong căng đầy, màu trắng hơi vàng; chất đệm nấm khá dai và bên trong ruột hơi rỗng, có màu trắng ngà.
THÀNH PHẦN:
Các phân tích hoá học cho thấy trong sinh khối của đông trùng hạ thảo có 17 axít amin khác nhau, có D-mannitol, có lipit, có nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na v.v..). Quan trọng hơn là trong sinh khối đông trùng hạ thảo có nhiều chất hoạt động sinh học mà các nhà khoa học đang phát hiện dần dần ra nhờ các tiến bộ của ngành hoá học các hợp chất tự nhiên. Nhiều hoạt chất này có giá trị dược liệu cao. Trong đó phải kể đến axít cordiceptic, cordycepin, adenosin, hydroxyethyl-adenosin. Đáng chú ý hơn cả là nhóm hoạt chất HEAA (Hydroxy-Etyl-Adenosin- Analogs). Đông trùng hạ thảo còn có chứa nhiều loại vitamin (trong 100 g đông trùng hạ thảo có 0,12 g vitamin B12; 29,19 mg vitamin A; 116,03 mg vitamin C, ngoài ra còn có vitamin B2 (riboflavin), vitamin E, vitamin K...)
CÔNG DỤNG:
Theo các ghi chép về đông dược cổ, đông trùng hạ thảo là một vị thuốc bồi bổ hết sức quý giá, có tác dụng tích cực với các bệnh như thận hư, liệt dương, di tinh, đau lưng mỏi gối, ho hen do phế hư hoặc cả phế, thận đều hư, và có tác dụng tốt đối với trẻ em chậm lớn.
Đông trùng hạ thảo là một trong những vị thuốc quý của đông y, được khai thác khó khăn, có khả năng bồi bổ và tăng cường sức khỏe, cải thiện đời sống tình dục, tăng cường khả năng miễn dịch. Mặt khác các nghiên cứu cổ truyền cũng như các thực nghiệm hiện đại đều xác định đông trùng hạ thảo hầu như không có tác dụng phụ đối với cơ thể người và động vật. Liều uống Đông trùng hạ thảo an toàn đối với chuột thí nghiệm là trên 45g/1 kg thể trọng.
SỬ DỤNG:
Tuỳ theo từng bài thuốc mà đông trùng hạ thảo tham gia, người ta có các chế biến nó khác nhau. Phổ biển nhất là hầm lên hoặc ngâm rượu. Cần phải phân biệt loại đông trùng hạ thảo dùng trong đông y và các chất có dược tính được tinh chế từ các chi nấm Cordyceps được nuôi trồng trên quy mô công nghiệp.
- Biểu đồ ghép đôi rượu vang và thực phẩm cơ bản (19.06.2019)
- ĐỘ NGỌT CỦA RƯỢU VANG (18.06.2019)
- Tuyệt chiêu: Bữa tối lãng mạn (17.06.2019)
- kết hợp rượu vang với Pizza (15.06.2019)
- Lagavulin – Mang đến hương vị Khói và Than bùn của đảo Islay (14.06.2019)
- Johnnie Walker Black Label - Anh cả cổ điển (13.06.2019)
- Chivas 18 Mỗi chai rượu chứa đựng niềm đam mê whisky đầy tinh túy (12.06.2019)
- Rượu vang và hải sản – sự kết hợp hoàn hảo cho bữa ăn (11.06.2019)
- RƯỢU VANG ĐỎ NÊN ĂN VỚI MÓN GÌ…? (10.06.2019)
- RƯỢU VANG HỒNG HẤP DẪN DÀNH CHO PHÁI ĐẸP (08.06.2019)